Tags

, , , ,

trincngson_22

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Thuở bé tôi hay đến chùa vì thích sự yên tĩnh. Có những năm tháng nằm bệnh, đêm nào mẹ tôi cũng nhờ một thầy đến nhà tụng kinh cầu an và tôi thường đi vào giấc ngủ êm đềm giữa những câu kinh đó. Có thể vì một tuổi trẻ đã có cơ duyên đi qua những cổng nhà Phật nên trong vô thức, bên cạnh những di sản văn hoá Đông Tây góp nhặt được, còn có lời kinh kệ vô tình nằm ở đấy.

 

images708993_Thanh_Lam_man_nguyen_Cam_tay_mua_he_Phunutoday.vn_1

Ca sĩ Thanh Lam

Nếu như tôi biết về đạo Phật sớm hơn nữa thì tôi đã sớm biết trân quý cuộc sống này hơn. Tôi biết về đạo Phật cũng là hơi muộn. Tôi rất tiếc tuổi trẻ của mình. Đó là lúc tôi đầy năng lượng với biết bao hoài bão thì tôi lại hay buồn. Phí phạm quá! Mình đã buồn vì những chuyện không đáng. Bây giờ tôi độ lượng hơn rồi. Tôi không thèm quan tâm quá đến những việc mà tôi nghĩ rằng bình thường nó phải xảy ra.

 

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Hơi thở của mình luôn luôn bây giờ và ở đây, người ta không bao giờ nói đến hơi thở ngày mai hay ngày hôm qua. Cái thú vị là hơi thở nó gắn với cảm xúc, trước một cảm xúc mạnh thì hơi thở nó khác, và do vậy hơi thở thể hiện tâm trạng của mình và sự thở cũng là tiếng nói của cơ thể của. Thật ra, hơi thở tuyệt với lắm, nó giúp cho mình đi vào thiền, đó là cơ sở để tôi viết cuốn “Thiền và Sức khỏe” sử dụng phương pháp đơn giản nhất là hơi thở.
Tôi tưởng tôi phát hiện ra phương pháp hay lắm ai ngờ đó là điều Đức Phật đã dạy cách đây 2557 năm trong kinh Anapanasati (Quán niệm hơi thở) – chỉ cần quán niệm hơi thở đúng thôi thì chúng ta đã đi vào thiền một cách sảng khoái. Cuốn sách được tôi viết ra dựa vào kinh nghiệm thực tập thực tế trên 10 năm của chính bản thân nhằm chia sẻ kinh nghiệm cho những người có tuổi giống mình, hoặc những người đồng bệnh tương lân.
Hồi xưa mình học y khoa chủ yếu để chữa bệnh thôi, còn y khoa về sức khỏe mình không học. Bác sĩ chủ yếu chữa bệnh thành ra bác sĩ bị bệnh cũng nhiều lắm và bị nặng lắm – vì thế người bác sĩ nên học về sức khỏe nhiều hơn là về bệnh tật. Khi bị bệnh nặng, tôi nghiên cứu về sức khỏe và tôi nghĩ phương pháp Anapanasati rất có hiệu quả. Tôi đi bằng con đường khoa học và y học để vào thiền, dù sao tôi cũng là thầy thuốc là khoa học thực nghiệm.

Người thầy thuốc chỉ có thể chữa được cái đau mà không chữa được cái khổ, chỉ có thể chữa được cái bệnh mà không chữa được cái hoạn. Do vậy mà dù y học phát triển với những thành tựu đáng kinh ngạc nhưng tình trạng tâm thần tự tử, bạo lực, bất an và các bệnh do hành vi lối sống gây ra như tim mạch, tiểu đường, béo phì… cứ ngày càng phát triển. Thiền phải chăng là một lối thoát?

 

ngo-bao-chau

Nhà toán học Ngô Bảo Châu

Có lẽ sự nhận thức về tính vô thường của thế giới và của cả con người đã giúp tôi rất nhiều để có một sự cân bằng trong cuộc sống. Một bên ta không thể buông xuôi trách nhiệm với xã hội, với những người thân thiết, với bản thân mình, một bên ta vẫn hiểu rằng cái quan trọng ngày hôm nay, ngày mai có thể sẽ không còn quan trọng nữa. Triết lý Phật giáo cho con người một nhân sinh quan rộng rãi, giải phóng nhiều định kiến. Đấy là một tố chất cơ bản của nhà khoa học.

Có những nhà khoa học có uy tín đi tìm những điểm chung giữa triết lý tôn giáo trong đó có Phật giáo và Cơ đốc giáo và khoa học hiện đại. Cá nhân tôi thấy những cố gắng này có phần khiên cưỡng.

Đối với tôi, cái hạnh phúc lớn nhất là cảm giác mình đang sống. Cảm giác đó bao gồm cả vị ngọt và vị đắng. Nó xuất phát quan hệ với những người thân thiết, bạn bè, công việc và xã hội, từ miếng cơm ta ăn, từ miếng nước ta uống, từ không khí ta đang thở.

Để có hạnh phúc, có lẽ không có cách nào khác là yêu cuộc sống như chính nó. Để bất hạnh, có lẽ không có cách nào tốt hơn là đi đuổi theo những ảo ảnh.

 

 

lecattronglyalbum

Lê Cát Trọng Lý

Mình không hạnh phúc thì làm được ai hạnh phúc? Mình không bình yên thì làm sao mình hát cho bình yên được? Ngày xưa mình muốn ôm cả thế giới vào tay mình trong khi chính mình còn đầy sợ hãi và hoang mang và ngu dốt. Mình phải tìm xem nội tâm của mình như thế nào, phải hiểu mình trước. Đó là công việc vất vả không kém gì đi lo cho thế giới.

…Ngày xưa mình nghĩ là mình luôn đúng, trong đầu chắc chắn về những điều của mình. Bây giờ ít chắc chắn hơn, quan sát nhiều hơn thì biết rằng không phải lúc nào cũng như mình suy đoán.

…Tại sao phải mặc trang phục giống nhau? Tại sao phải yêu một cách giống nhau? Tại sao phải đúng là như vậy mới đúng là như vậy? Cuộc sống đâu phải như vậy? Có những người mình tưởng mình hiểu chắc gì mình đã hiểu? Sống với họ 10 năm sau đó một ngày mình thấy họ là một người hoàn toàn khác. Đó là những khoảng hoang mang cần thiết vì nó cho mình gần với thực tế hơn.

 

nguyendaigiang

Hoạ sĩ Nguyễn Đại Giang

“Upsidownism là cái nhìn thực tế và hiện tại thông qua quá khứ và tương lai, từ thiên nhiên tới đời sống xã hội loài người. Nó biết rằng đời người có thịnh có suy, thất bại rồi thành công, không bao giờ hết. Sinh ra là lúc bắt đầu chết, chết là lúc bắt đầu sinh. Chúng ta hiểu cuộc sống là như vậy, là thường tình để khi gặp những nghịch cảnh chúng ta không sầu bi quá để ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của chúng ta. Cuộc đời này vẫn tươi đẹp và đáng sống.”

 

 

trinhxuanthuan

Nhà Thiên văn học Trịnh Xuân Thuận

Cấu tạo giọt lệ không liên quan thẳng tới ánh sáng, nhưng giọt lệ cũng là kết tinh của sự vận động từ ánh sáng – các hạt nhân trong giọt lệ, qua cơ thể sinh học, cảm xúc của con người. Một hình dung đơn giản nhất là như thấy được sự long lanh của giọt lệ cũng nhờ ánh sáng… Ánh sáng đưa những gì từ vũ trụ vào mắt ta, và… vào tim ta. Ta màu nhiệm dạt dào, hân hoan, rạo rực trước giọt lệ nơi mi mắt một cô gái nhờ ánh sáng tự nhiên trường tồn trong thiên nhiên, và… nhờ “ánh sáng” trong Trái tim ta.

Không có ánh sáng lấy đâu niềm cảm hứng để con người thăng hoa. Tâm trạng con người đi theo ánh sáng, sáng khác, trưa khác, chiều khác, các mùa khác… Những thi phẩm hay nhất cũng là sản phẩm của sự tương tác vạn vật mà ánh sáng là khởi nguồn sự cộng hưởng. Những bài thơ mơ tưởng biểu hiện cho sự hân hoan hoặc buồn đau kia của Beaudelaire, Rimbaud, hay tranh của Monet, Léonardo da Vinci… là những câu chuyện về thế giới tâm hồn, câu chuyện về ánh sáng, không trực tiếp thì qua những tồn tại khác của ánh sáng, nuôi dưỡng từ ánh sáng. Người họa sĩ bằng ánh sáng, vẽ cảm xúc về tâm hồn mình, và mọi thứ hữu hình xung quanh… Sáng tác một bài thơ cũng tương đương như đi tìm kiếm cái gì đó trong vũ trụ của nhà khoa học.

Ánh sáng đã làm liền trái đất, kết nối những lục địa, làm phẳng tất cả, ráp nối cả nhân loại lại. Chỉ có con người phân biệt ra những dân tộc, lãnh địa, văn hóa… chứ mọi thứ trên mặt đất đều như nhau, dưới ánh sáng của ánh sáng. Hoặc như ngày nay, các thiết bị số ra đời, đều trên các nguyên lý của ánh sáng và điện từ. Mọi thứ tồn tại trên vũ trụ này, trên mặt đất này đều nhờ ánh sáng, từ ánh sáng, hoặc dựa trên những nguyên lý của ánh sáng, từ giọt nước uống, cọng rau xanh, đến miếng thịt, cái máy nghe nhạc… Đơn giản ví dụ nhé, trên internet, người ở các vùng nông thôn xa xôi, không từng đặt chân đến, cũng biết đến được nơi chốn đó. Vào Google thấy cả thế giới…

Vũ trụ có giai điệu, giai điệu đẹp như một bản nhạc Jazz. Ngay thế giới sắc màu của nó cũng rực rỡ, lộng lẫy trong êm ái. Một cái đẹp vô tận. Mọi thứ trong vũ trụ hoạt động có quy luật, uyển chuyển trong trật tự.

Phật giáo ra đời sau, mới hơn 2.500 năm. Nhưng vũ trụ hình thành đã 14 tỉ năm. Nhưng Phật giáo ngay từ đầu con đường đã hướng đến thế giới tự nhiên, vũ trụ, vạn vật, và cả thân phận con người, tức hiểu tự nhiên bằng cảm nhận, bằng giác ngộ, qua hành trình giác ngộ. Thiên văn học, thì duy lý, dùng duy lý để khám phá, chỉ ra vận động của tự nhiên, vũ trụ, tính có quy luật của vũ trụ và mọi thứ phát sinh ra trong đó. Đạo Phật cũng chỉ sự thay đổi trong trời đất, chuyển dịch của vạn vật, và Thiên văn học cũng thấy vậy. Có sự tương đồng cho cái hướng đến. Triết lý Phật giáo là hiểu đến lẽ vô thường của vũ trụ, còn của thiên văn học là hiểu đến sự liên hệ với các ngôi sao, thiên hà. Cả hai đều là khoa học. Đạo Phật hay nhắc đến trở về cát bụi là vậy, chuẩn xác đến tuyệt vời, kỳ diệu.

 

Nguyen-Tuong-Bachresize

Tiến sĩ Nguyễn Tường Bách

Đối với tôi và bạn, đóa hoa là đóa hoa, nhưng với con vi khuẩn thì đóa hoa là thế giới của nó, còn với con ong thì đóa hoa là một bữa tiệc. Tôi và bạn cùng thấy đóa hoa là đóa hoa vì như cách lý giải của nhà Phật, chúng ta có cùng “cộng nghiệp”. Thế nhưng còn có “biệt nghiệp”. Khi xem một trận đá banh, có người chỉ thấy một cầu thủ đang lừa banh, người am hiểu một chút thì thấy vài ba đồng đội đang di chuyển để nhận banh, người sâu sắc thì thấy 22 cầu thủ đang vận động, còn ông huấn luyện viên thì biết cả cầu thủ nào cần phải thay ra khi điều chỉnh đấu pháp. Mức độ am tường đó chính là khái niệm “biệt nghiệp” trong nhà Phật, khiến chúng ta nhìn thấy thế giới này một cách khác nhau.